Cafe Sáng Tọa Đàm Hành Trình Tìm Kiếm và Sáng Tạo Tài Sản Trí Tuệ của 63 Tỉnh, Thành Phố Việt Nam

Chủ đề 1: “BIẾN TÀI NGUYÊN KỶ LỤC – THÀNH TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ”

Mở đầu cho “Hành trình Tìm kiếm và Sáng tạo Tài sản Trí tuệ của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam”, sáng ngày 28/10/2021 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp Viện Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và Công ty Luật Nam Hà tổ chức buổi tọa đàm đầu tiên với chủ đề “BIẾN TÀI NGUYÊN CỦA KỶ LỤC THÀNH TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ”.

Buổi tọa đàm đầu tiên của VIETKINGS với chủ đề “BIẾN TÀI NGUYÊN CỦA KỶ LỤC THÀNH TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ”

Nội dung chính của buổi tọa đàm xoay quanh vấn đề, làm sao để “Biến tài nguyên của Kỷ lục thành tài sản có giá trị” và cách thức để “Ứng dụng và phát triển tài sản trí tuệ cho cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam” trong thời kỳ mới.

Sự kiện tọa đàm diễn ra tại Khách sạn Rex (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) Buổi tọa đàm dưới sự chủ trì của Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Viễn – Viện trưởng Viện Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, PCT TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam; Ông Lê Trần Trường An – PCT thường trực TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, TGĐ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings; Ông Trần Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, Thường trực HĐXL Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Ông Dương Duy Lâm Viên – Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam, GĐ Điều hành Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Luật sư Nguyễn Tri Thắng – GĐ Công ty Luật TNHH MTV Nam Hà.

VietKings hiện là Tổ chức Kỷ lục Quốc gia sở hữu số lượng bản quyền nhiều nhất thế giới. Đây cũng là nơi tập hợp cộng đồng Kỷ lục gia sở hữu nguồn tài sản trí tuệ lớn tại Việt Nam. Mỗi một Kỷ lục gia được xem nguồn sáng tạo vô tận và giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên nguồn tài sản trí tuệ chung cho quốc gia. Để biến những giá trị tinh hoa của các Kỷ lục gia Việt Nam trở thành nguồn tài sản giá trị là chủ đề chính của buổi tọa đàm.

Trước đó, vào ngày 24/12/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã Ký ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg về việc Phê duyệt chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với mục tiêu chung là đưa sở hữu trí tuệ trở thành một công cụ quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cùng các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Đến ngày 26/7/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành Thông tư 03/2021/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Đây là hai văn bản quan trọng đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong định hướng hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ.

Tại buổi tọa đàm, Luật sư Nguyễn Tri Thắng – GĐ Công ty Luật Nam Hà đã cung cấp những thông tin về tầm quan trọng của tài sản số, đồng thời khái quát các nền tảng, cơ sở pháp luật để hiện thực hoá “Hành trình tìm kiếm và sáng tạo Tài sản Trí tuệ của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam”. Ông cho biết, trên thế giới, khái niệm “sở hữu trí tuệ” không phải là một khái niệm xa lạ, nhưng đối với Việt Nam, khái niệm này còn chưa thực sự phổ biến với đại bộ phận nhân dân. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ đã trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh dư địa phát triển của nền kinh tế dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ đang ngày càng thu hẹp. Do đó, việc thương mại hóa tài sản trí tuệ cần phải được xây dựng thành chiến lược dài hạn và được triển khai theo từng giai đoạn tương ứng với các giai đoạn thị trường. Hành trình được thực hiện qua các giai đoạn sẽ giúp phát triển nguồn tài sản trí tuệ vô giá của Kỷ lục gia Việt Nam tức thương mại hóa trí tuệ, mang lại những giá trị về mặt kinh tế cho các cá nhân, đơn vị và đất nước.

Luật Nam Hà với vai trò là một công ty Luật chuyên ngành sẽ đồng hành cùng VietKings để tìm kiếm và đóng gói tài sản trí tuệ của cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam thành những tài sản số hóa, giúp các Kỷ lục gia phát triển tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả nhất.

Kỷ lục gia Thế giới về Thư pháp Võ Dương trực tiếp biểu diễn vẽ thư pháp chữ Việt về Điều răn thứ 10 trong 14 Điều răn của Đức Phật “Tài sản lớn nhất của đời người là SỨC KHỎE và TRÍ TUỆ”. Bức tranh được tặng lại cho Luật sư Nguyễn Tri Thắng và được đội ngũ công ty Cổng trời số hóa trực tiếp để đấu giá tại Congtroi.org. Tác phẩm sau đó được đấu giá thành công với số tiền 18.000.000đ. Toàn bộ số tiền đấu giá trực tuyến trên nền tảng NFT này đã được Luật sư Thắng trao tặng Quỹ Tình Thương Việt ngay trong chương trình.

Với tâm huyết dành cho nghệ thuật Thư pháp chữ Việt, Kỷ lục gia Thế giới Võ Dương mong muốn có thể xây dựng nền móng cho Thư pháp chữ Việt và giới thiệu nghệ thuật này một cách rộng rãi hơn trong và ngoài
nước. Ngoài tranh, anh còn sáng tạo nên những tác phẩm thư pháp trên đá, không chỉ là những sản phẩm trang trí đẹp và sang trọng mà còn đem lại những nguồn năng lượng tốt cho người sở hữu.

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Trần Trường An – TGĐ VietKings chỉ ra những cách thức để tạo tài sản trí tuệ và ứng dụng và phát triển tài sản trí tuệ cho cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam. Theo ông, việc ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ Việt Nam của Chính phủ cũng chính là thời điểm vàng để cộng đồng Kỷ lục phát huy hết sức mạnh của mình và tỏa sáng với nguồn trí tuệ vô hạn. Ông hy vọng cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam có thể cùng nhau đưa ra những giải pháp để phát triển và số hóa tài sản trí tuệ một cách bài bản nhất.

Kỷ lục gia Thế giới Nguyễn Phùng Phong – Tổ chức Trí nhớ Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Tâm Trí Lực giới thiệu về tài sản trí tuệ của Tập đoàn Tâm Trí Lực, anh chia sẻ: “Mỗi người đều sở hữu những tài năng khác nhau nhưng chúng ta phải học cách biến tài năng thành tài sản”. Tại tọa đàm, Kỷ lục gia Thế giới Nguyễn Phùng Phong cũng đưa ra những định hướng mới về việc xác lập các giá trị Kỷ lục học đường trong tương lai dành cho thầy cô giáo và các em học sinh.

Kỷ lục gia Thế giới Trần Quốc Phúc – Chủ tịch Tập đoàn Táo vàng Toàn cầu chia sẻ: “Các Kỷ lục gia cần trau dồi năng lực để biến những điều của riêng mình thành những giá trị có thể chia sẻ được cho cộng đồng…”

Tọa đàm còn nhận được nhiều chia sẻ kinh nghiệm  và bài học thành công từ các Kỷ lục gia Thế giới, châu Á và Việt Nam. Các Kỷ lục gia cũng bày tỏ mong muốn có thể kết nối để chung tay tạo nên những tác phẩm Kỷ lục độc đáo, kết hợp được nhiều loại hình nghệ thuật và lan tỏa giá trị ra thế giới.

Ông Trần Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, Thường trực Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa ra các ý kiến: Mỗi Kỷ lục gia đều nên chuẩn bị cho mình những dự án tâm đắc của cuộc đời mình để biến tài năng thành những tác phẩm cụ thể với các giá trị thật sự độc đáo. Ông cũng chỉ ra những giải pháp trong việc nâng tầm các giá trị Kỷ lục.

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Toàn Thắng – CEO Công  ty Cổng trời đã giúp mọi người hiểu hơn về việc triển khai công nghệ mới để hỗ trợ Kỷ lục gia Việt Nam. Thông qua dự án “Cổng trời NFT”, ông muốn khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ Block – chain thế giới, số hóa tài sản và đảm bảo tính minh bạch bằng công nghệ NFT.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Viện Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, Viện Kỷ lục Việt Nam và Công ty Luật Nam Hà đã tiến hành ký kết Ghi nhớ hợp tác triển khai Hành trình tìm kiếm  và sáng tạo tài sản trí tuệ của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Đây là hành trình tìm kiếm, nghiên cứu và phát triển nguồn tài sản trí tuệ vô giá mà các cá nhân, đơn vị đã dành tâm huyết cả đời để xây dựng và hình thành nên. Từ đó biến các tài sản trí tuệ thành tài sản có giá trị, mang lại những thành tựu về mặt kinh tế cho cá nhân, đơn vị và đất nước Việt Nam.

Cũng trong chương trình, Công ty TNHH Quản lý Bảo vật Kỷ lục Người Việt Toàn cầu VietWorld NFT, Công ty CP Thư pháp Việt và Công ty CP Tài sản Số Toàn cầu đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác về việc Số hóa 05 cuốn Đại sách Thư pháp của Kỷ lục gia Thế giới Võ Dương để đưa ra toàn cầu bằng công nghệ NFT.

Bế mạc buổi tọa đàm, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Viễn – Viện trưởng Viện Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, Phó Chủ tịch T.W Hội Kỷ lục gia Việt Nam một lần nữa khẳng định: Giá trị của Tài sản trí tuệ là rất lớn để biến những điều vô hình thành hữu hình và trở nên có giá trị

Với những góp ý và chia sẻ từ các đại biểu trong buổi tọa đàm, hi vọng Hành trình tìm kiếm và sáng tạo tài sản trí tuệ của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam sẽ được triển khai rộng rãi và hiệu quả trong cả nước trong thời gian tới.

Táo Vàng Media

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ấn để gọi ngay!
0906 639 715
Nhắn tin Zalo
Fanpage Táo Vàng
Sự kiện
ĐANG DIỄN RA