Tất cả chúng ta, ai cũng đều có tiếng nói bên trong lòng. Đó là những cuộc trò chuyện bí mật mà chỉ bản thân chúng ta mới có thể hiểu và cảm nhận được, và những đứa trẻ cũng vậy. Thật không may, tiếng nói bên trong của con trẻ thường theo xu hướng tiêu cực. Bởi con hay lo lắng, nghi ngờ nhiều điều trong cuộc sống. Bài viết này Táo Vàng sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm hiểu rõ hơn về những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực trong con và từ đó tìm ra giải pháp để giúp các con rèn luyện một cuộc sống tích cực mỗi ngày.
Mục Lục Bài Viết
Tiêu cực là gì? Những biểu hiện sống tiêu cực của một đứa trẻ
Tiêu cực có nghĩa là những cảm xúc, hành động, suy nghĩ kém lạc quan, khiến con người luôn mệt mỏi trong cuộc sống. Nguồn năng lượng hạn hẹp này thường xuất hiện do hành động hoặc ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài hình thành trong lâu dài. Khi tiêu cực, con người dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, bồn chồn, xa lánh với tất cả mọi người hay thậm chí có thể là trầm cảm hoặc tự kỷ.
Là cha mẹ, việc phải nghe con diễn tả những suy nghĩ tiêu cực hay chứng kiến con buồn bã, giận dữ, thất vọng thật không dễ dàng. Do đó, bạn cần quan tâm, dành thời gian cho con nhiều hơn để biết con đang cần gì, muốn gì và quan trọng là giúp con tránh xa những thái độ tiêu cực mỗi ngày. Một số biểu hiện tiêu cực ở con trẻ mà bạn cần nhận biết sớm:
Thái độ tức giận: Con sẽ thể hiện sự tức giận qua những hình thức khác nhau. Nếu con còn nhỏ, chưa biết sử dụng lời, chúng sẽ có những hành động như đập đầu, lăn ra sàn hoặc thậm chí là khóc và la hét. Khi ở độ tuổi biết nói và hoàn thiện về ngôn ngữ, con sẽ trách bạn không công bằng, sử dụng những lý lẽ mà chúng biết để “tranh cãi” cùng bạn.
Hành động Năn nỉ. Nếu muốn một thứ gì đó còn sẽ chạy theo bạn và liên tục làm bạn mềm lòng với những cử chỉ lặp đi lặp lại như: “Mẹ đưa cho cái này đi, con sẽ nghe lời”, hoặc là “đi mà mẹ, đi mà,…” hay “cho con lần này thôi”! Con sẽ cứ như vậy cho đến khi nào đạt được mục đích của mình.
Đe dọa: Khi sự thất vọng trong con dần nhiều, con không có được điều mình muốn và không nhận được sự thấu hiểu của bố mẹ, chúng sẽ có những hành động và lời lẽ đe dọa như: “ Con sẽ không làm bài tập”, “Con sẽ đi khỏi nhà”,…
Những hành động tiêu cực: Biểu hiện này là dạng nguy hiểm nhất trong các loại. Những đứa trẻ có thể tấn công phụ huynh, đập phá đồ đạc hoặc cũng có thể chạy đi khỏi nhà.
Điều gì khiến cho một đứa trẻ luôn có thái độ tiêu cực?
Nếu bạn quan sát con có những hành vi tiêu cực, có khả năng bé gặp phải những vấn đề do những yếu tố tác động như sau:
Đặt quá nhiều kỳ vọng và điều đó trở thành áp lực cho con
Nếu cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng sẽ vô tình gây nên một áp lực lớn với trẻ. Chẳng hạn mong đợi chúng học giỏi, mong muốn con mình sẽ giống như “con nhà người ta”. Khi những đứa trẻ cố gắng nỗ lực nhưng không thể đáp ứng kỳ vọng cha mẹ đã đặt ra, họ thường có xu hướng la mắng, cáu gắt. Trước những thái độ và hành động tiêu cực từ người lớn, chúng sẽ trở nên e dè, thiếu tự tin, nhút nhát và luôn có cảm giác lo lắng, sợ bản thân sẽ làm sai.
Trước mặt con thường xuyên có những biểu hiện tiêu cực
Những lời nói tiêu cực hay hình phạt của cha mẹ lúc tức giận rất dễ khiến con bị tổn thương. Thực tế, khi con luôn chịu đựng hoặc chứng kiến những hành động bạo lực sẽ khiến trẻ dễ nổi cáu giận thậm chí trẻ sẽ không kiểm soát được cảm xúc và cử chỉ của mình. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ thường không tin tưởng hay có thái độ nghi ngờ đối với con. Ví dụ khi trẻ bị cô giáo phạt bởi những trò chọc phá cùng bạn bè trong lớp, thay vì tìm hiểu nguyên nhân các phụ huynh thường la mắng hoặc chỉ trích con. Lâu dần, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ là người không đáng tin cậy, con sẽ ngại mở lòng chia sẻ những câu chuyện mình gặp phải. Từ đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng dần trở nên xa cách.
Bao bọc con quá mức
Trẻ con luôn muốn được tự mình làm một điều gì đó, những đứa trẻ đều có cảm giác muốn được độc lập và điều khiển môi trường xung quanh. Dù ở thời điểm hiện tại con vẫn chưa có khả năng thực hiện được nhưng con vẫn muốn. Nhưng đa số các bậc phụ huynh lại muốn chở che làm tất cả mọi việc giúp con. Họ lo lắng con mình sẽ vấp ngã nhưng lại quên mất một điều rằng có vấp ngã con mới có thể tự lớn lên mỗi ngày. Chính sự bao bọc này đã làm con có tính ỷ lại và dựa dẫm vào bố mẹ, từ việc nhà đến việc học, bản thân con sẽ không có tính tự giác và muốn giúp đỡ người khác.
Cách giúp con rèn luyện sống tích cực mỗi ngày
Trong cuộc sống, thái độ sống tích cực sẽ giúp con dễ dàng vượt qua mọi vấn đề khó khăn, con sẽ biết chấp nhận và sống lạc quan hơn. Tích cực cũng giúp trẻ trở nên kiên cường trong nhiều tình huống. Không phải bắt nguồn từ tính cách hoặc bẩm sinh, sự tích cực trong con cần rèn luyện mỗi ngày mới có thể hình thành nên. Dưới đây là một số cách mà mọi bố mẹ có thể giúp con có lối sống, suy nghĩ tích cực hơn.
Hãy cho con biết rằng, việc thể hiện cảm xúc là điều bình thường
Một trong những điều quan trọng giúp con sống lạc quan chính là cho phép con thừa nhận những cảm xúc của mình. Đó có thể là hạnh phúc, niềm vui, hoặc cũng có thể là xấu hổ, sợ hãi, lo lắng hay bất kỳ một cảm xúc đặc biệt nào khác. Hãy nhẹ nhàng khuyên bảo và nói với con rằng những cảm xúc, những điều con đối mặt đều là việc bình thường và ngay cả bố mẹ hay bạn bè con đều cũng phải trải qua những cảm xúc ấy mỗi ngày. Đến khi con biết cách chấp nhận những cảm giác không vui, con sẽ xem đó là bài học là sự trải nghiệm thì sẽ chẳng còn chỗ cho nỗi buồn phiền nữa.
Hãy là một tấm gương cho con
Bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của con trẻ. Có thể bạn không quá chú ý đến những hành động và lời nói của mình. Nhưng những đứa trẻ lại có giác quan rất nhạy cảm, chúng sẽ quan sát rất kỹ từ cảm xúc cho đến hành vi của bạn, con đều có khả năng ghi nhớ và học hỏi theo. Trẻ sẽ khó có thể suy nghĩ một cách tích cực nếu như con sinh ra và lớn lên trong một môi trường tràn ngập sự tiêu cực. Ngược lại, nếu tâm hồn của con trẻ được nuôi dưỡng bởi niềm hạnh phúc, sự lạc quan, luôn hướng về tương lai thì trẻ sẽ có cơ hội được phát triển và hình thành thái độ tương tự. Vì vậy, để chăm sóc và nuôi dưỡng một em bé có suy nghĩ tích cực và luôn cảm thấy vui vẻ thì bố mẹ hãy làm gương cho con nhé!
Hãy để con được tiếp xúc với những người tích cực
Cuộc sống của chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi những tác nhân bên trong lẫn bên ngoài. Một thực tế là những người chúng ta thường xuyên tiếp xúc chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến chúng ta. Thật tuyệt vời nếu chúng ta thường xuyên giao tiếp, học hỏi và tiếp xúc với những người nhiều năng lượng. Con trẻ cũng vậy, hãy cho con được tham gia những câu lạc bộ, những chương trình ngoại khóa có nhiều diễn giả truyền cảm hứng tích cực. Con sẽ tích lũy được những điều điều bổ ích và thú vị từ những người xung quanh con.
Dạy con về các giá trị và đạo đức
Khi một đứa trẻ nhận biết được điều gì là sai và điều gì là đúng chúng sẽ có tư duy cực hơn so với những đứa trẻ khác. Hướng dẫn con nhận biết về lối sống và đạo đức là một điều quan trọng và cần thiết từ khi con có nhận thức về những điều xung quanh. Con sẽ biết được điều gì là đúng đắn để thực hiện, con sẽ biết tôn trọng và lễ phép với người lớn và tuân thủ những giá trị đạo đức của con người. Tất cả sẽ hình thành trong con một phong cách sống tích cực, hạn chế những cảm giác lo lắng, nghi ngờ và hối tiếc thay vì thường xuyên phạm phải những điều sai trái.
Bạn mong muốn em bé của mình khi lớn lên sẽ luôn bình an và đối mặt với khó khăn một cách dễ dàng hơn chứ? Táo Vàng hy vọng, bài viết này sẽ tiếp sức thêm cho bố mẹ để chúng ta có nhiều động lực hơn nữa trên hành trình nuôi dưỡng những em bé luôn lạc quan, vui vẻ, tràn đầy năng lượng.
Táo Vàng Media